Giới thiệu chung

PHÙ LINH - ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH, TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ - VĂN HÓA 

I. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

Phù Linh là một xã nằm tiếp giáp về phía bắc huyện lỵ Đa Phúc trước đây, nay là Thị trấn Sóc Sơn; phía tây là dãy Núi Sóc làm gianh giới giữa xã Phù Linh với hai xã Nam Sơn và Minh Phú; phía bắc giáp xã Hồng Kỳ; phía đông giáp xã Tân Minh.

Là một xã tiếp cận với huyện lỵ nên Phù Linh có nhiều lợi thế cho việc đi lại và giao lưu kinh tế. Tuyến đường quốc 3 chạy từ Hà Nội lên Việt Bắc qua địa phận xã gần 2km. Đường tỉnh lộ từ huyện lỵ đi Bắc Ninh qua địa phận xã ở phía Nam. Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua địa phận xã ở phía đông dài chừng 2km. Gần đây con đường vào đền Sóc, đền Sóc - đập Đồng Quan dài 10km đã được nâng cấp, trải nhựa đáp ứng nhu cầu nhân dân và khách thập phương đến tham quan, du lịch, vãn cảnh. Cùng với các công trình giao thông chính, các đường liên thôn, liên xã được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật liệu phục vụ xây dựng và sản xuất nông nghiệp.

Qua quá trình lịch sử, Phù Linh đã có những thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến chúng lập bộ máy cai trị từ Trung ương đến tận làng, ấp (làng chúng đặt tên là xã, trên xã là tổng). Các làng, ấp của xã Phù Linh thuộc các tổng khác nhau như: Xuân Đoài thuộc tổng Phổ Lộng; Phù Mã, Vệ Linh, Đạc Đức, Thanh Lại thuộc tổng Tiên Dược; Thanh Quang, Thanh Trì thuộc tổng Trung Giã.

 

A stream running through a grassy area

Description automatically generated

Hình ảnh Đền Gióng Sóc Sơn

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bộ máy chính quyền của chế độ cũ bị xóa bỏ, chính quyền cách mạng được xác lập trong cả nước. Bắt đầu từ ngày 25-8-1945, chính quyền cách mạng ở các thôn, làng, ấp: Xuân Đoài, Phù Mã, Vệ Linh, Thanh Lại, Thanh Quang Đạc Đức lần lượt được thành lập. Sau ngày bầu cử Quốc hội năm 1946 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, xã Phù Linh được thành lập bao gồm 04 thôn (Xuân Đoài, Phù Mã, Vệ Linh, Thanh Lại), 01 ấp (Đạc Đức) và bầu ra Ủy ban hành chính xã.

Tháng 8-1948, do yêu cầu của cách mạng đặt ra, Thanh Quang, Thanh Trì từ xã Tân Đức nhập về Phù Linh. Cuối năm 1948, hai xã Lạc Long - Phù Linh sáp nhập lấy tên mới cũng là xã Lạc Long, đồng thời ấp Đạc Đức nhập vào thôn Vệ Linh.

Sau hòa bình lập lại, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, để đáp ứng với nhiệm vụ cách mạng mới, đồng thời phù hợp với trình độ và năng lực cán bộ lúc bấy giờ, thực hiện chủ trương của cấp trên, đầu năm 1955, xã Lạc Long được tách thành hai xã Lạc Long và Phù Linh như trước đây.

Năm 1960, Phù Linh tiếp nhận thôn Thái Ninh từ xã Hồng Kỳ chuyển về.

Năm 1963, theo tinh thần đi xây dựng kinh tế mới, Phù Linh tiếp nhận thêm 31 hộ (172 khẩu) từ Xuân Thu lên định cư, thành lập xóm Xuân Lập; đồng thời, xã tiếp nhận 13 hộ với 84 khẩu của thôn An Lạc (xã Trung Giã) nhập vào thôn Thanh Trì. Cuối năm 1963, sau khi hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, xã sáp nhập các thôn Thanh Lại, Thanh Quang, Thanh Trì (Tam Thanh), Thái Ninh với xóm Xuân Lập hợp lại thành một thôn và lấy tên mới là thôn Cộng Hòa.

Như vậy, từ cuối năm 1963 đến nay, Phù Linh có 04 đơn vị hành chính thôn: Xuân Đoài, Phù Mã, Cộng Hòa và Vệ Linh.

Diện tích đất tự nhiên của xã đến hết năm 2012 là 1.441,99 ha, trong đó đất rừng núi  603 ha (chiếm 41,82%), đất canh tác 402 ha (chiếm 27,88%), đất chuyên dùng 123 ha (chiếm 8,53%), đất ở 135 ha (chiếm 9,36%), còn lại là ao, hồ và các công trình thủy lợi, đường giao thông… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Dân số của xã đến ngày 31-12-2012 có 2.421 hộ với 9.796 nhân khẩu, trong đó có 6.054 người trong độ tuổi lao động (chiếm 61,8%). Toàn xã có 36 hộ với 135 khẩu theo đạo thiên chúa giáo, sống chủ yếu ở hai thôn Phù Mã và Vệ Linh.

Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã đặt ven trục đường đi đền Sóc, cách quốc lộ 3 gần 300m về phía tây.

II. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Về truyền thống lịch sử:

Phù Linh là nơi tiếp cận với huyện lỵ, thuận tiện cho giao lưu kinh tế, lại là địa bàn có nhiều đồi núi, nên trong lịch sử, nơi đây là một vị trí quan trọng về quân sự của nhiều đạo quân.

Theo truyền thuyết đời vua Hùng thứ 6, khi nước Văn Lang đang thái bình thì giặc Ân sang xâm lược nước ta, quân đông hàng vạn, tướng đến hàng nghìn, chúng đi đến đâu làm cho đồi núi phải khuyết mòn, đường sá phải sụt lở, dân chúng bị giết chóc, cơ cực, xóm làng tiêu điều. Nhà vua phải hạ chiếu cầu người tài giỏi ra dẹp giặc giúp nước. Người anh hùng Gióng (làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm) lên ba chưa biết nói biết cười nhưng khi nghe sứ giả truyền tin liền bật ngồi dậy bảo mẹ mời sứ giả vào. Khi sứ giả vào nhà, cậu bé đứng lên nói: "Ông về triều ngay, xin nhà vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao 8 thước, một áo giáp sắt, một roi sắt, một nón sắt rồi mang đến đây cho ta. Ta sẽ đánh tan giặc ngay". Sứ giả mừng rỡ, về triều tâu lại. Lập tức nhà vua sai đúc ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt và nón sắt để đưa đến cho cậu bé. Trong khi đó, ở làng Phù Đổng, cậu bé bỗng ăn rất khỏe nên lớn nhanh như thổi. Khi quân của triều đình đưa ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt và nón sắt đến, cậu bé vươn vai đứng dậy, bỗng trở thành một người cường tráng, cao đến 8 trượng. Tráng sỹ lên ngựa, tay cầm roi sắt, đầu đội nón sắt lên đường đi đánh giặc cứu nước. Cùng ngựa chiến của mình, Gióng đánh đến đâu giặc tan đến đó, tại núi rừng hiểm trở thôn Vệ Linh còn lưu lại chiến tích đó. Giặc tan, Gióng dừng lại tại chân núi Sóc. Gióng leo lên đứng trên một tảng đá, cởi áo giáp sắt, vắt lên cây trầm hương, ngoái nhìn giang sơn lần cuối, vái linh địa và dân làng rồi cả người và ngựa bay về trời.

Nhớ ơn người anh hùng Gióng, nhà vua phong cho Gióng danh hiệu “Phù Đổng Thiên Vương”, người đời gọi là Thánh Gióng. Để tỏ lòng tôn kính người anh hùng Gióng, nhân dân Phù Linh cùng với nhân dân vùng núi Sóc lập đền thờ ông gọi là đền Sóc. Cách mạng tháng Tám thành công, được nhà nước hỗ trợ, nhân dân đã tu bổ tôn tạo công trình kiến trúc cổ này. Nhiều câu đối, thơ phú của các danh nhân ở các triều đại trong lịch sử đã ca ngợi người anh hùng Thánh Gióng[1] như:

Câu đối của nhà thơ Cao Bá Quát:

“Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn

Đằng vân do hận cửa thiên đê”

Dịch là:

Trừ giặc lên ba hiềm đã muộn

Cưỡi mây tầng chín giận chưa cao”

Câu đối của đại thi hào Nguyễn Du:

“Thiên Giáng thánh nhân bình Bắc lỗ

Địa lưu thần tích trấn Nam bang”

Dịch là:

"Trời sinh người Thánh trừ giặc Bắc

Đất nhớ chuyện thần giữ nước Nam"

Nữ thi sĩ Ngô Chi Lan (quê xã Phù Lỗ - Sóc Sơn) thời vua Lê Thánh Tông đã để lại bốn câu thơ:

“Vệ Linh xuân thu bạch vân nhân

Vạn tứ thiên hồng diễn thế gian

Thiết mã tại thiên danh tại sử

Anh hùng lẫm lẫm mãi giang san”

Dịch là:

“Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn

Muôn tía ngàn hồng đẹp thế gian

Ngựa sắt lên trời tên rạng sử

Anh hùng mãi mãi với giang san”

Hàng năm, vào ngày 06 tháng giêng (âm lịch), nhân dân xã Phù Linh và nhân dân vùng núi Sóc tổ chức lễ hội tưng bừng để tưởng nhớ Thánh Gióng thắng trận theo nghi thức cổ truyền.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, noi gương người anh hùng Gióng, nhân dân Phù Linh tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa với nhiều nghĩa quân và đã cùng với nghĩa quân Đề Thám xây dựng doanh trại ở gò Đồng Cao (thuộc thôn Thanh Lại) phối hợp với nghĩa quân phục kích đánh địch tại cống Cầu Đẳng (trên đoạn đường Mã - Ấp Vuông) khi chúng đang hành quân đi gây tội ác.

Có thể nói, trong lịch sử chống ngoại xâm từ truyền thuyết Thánh Gióng đến thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam  ra đời, tùy theo sức của mình, người dân Phù Linh già, trẻ, trai, gái với tinh thần dũng cảm, kiên cường đã tham gia cùng nhiều nghĩa quân đánh giặc bảo vệ đất nước, quê hương.

Về truyền thống văn hóa:

Nhân dân Phù Linh có truyền thống hiếu học, cầu tiến bộ. Theo bề dày lịch sử, thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước, người dân Phù Linh vẫn lưu truyền những bản sắc tốt đẹp của cha ông về cách giao tiếp, ứng xử cùng các tập tục lễ hội.

Đời sống nhân dân tuy còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng người dân Phù Linh luôn luôn giữ được truyền thống tốt đẹp của mình trong việc giúp đỡ nhau lúc khó khăn để bảo ban nhau học hành tiến bộ, đấu tranh loại bỏ những thói hư, tật xấu làm ảnh hưởng đến đạo đức lối sống và truyền thống của quê hương. Song, dưới chế độ thực dân phong kiến, với chính sách ngu dân, hạn chế tối đa mở trường học của chúng, cả vùng Đa Phúc chỉ có một trường tiểu học tại Núi Đôi (thuộc đất Phù Linh) mà trường học này cũng chỉ dành cho con em của quan lại và các nhà quyền quý, cao sang vào học nên 95% dân số Phù Linh bị mù chữ.

Trên địa bàn xã còn có các công trình văn hóa cổ như: Đền thờ đức thánh Phù Đổng Thiên Vương, đền Hạ Mã (nơi dừng ngựa của Thánh Gióng), chùa Non xây dựng từ thời nhà Lý ở lưng chừng núi cách đền Gióng 400m và các công trình đình, chùa, miếu mạo nằm rải rác ở các làng, xóm. Qua thời gian đa số các công trình này bị thiên nhiên và chiến tranh phá hủy hoàn toàn, một số còn lại nhưng không được nguyên vẹn.

Sau hòa bình lập lại, đời sống kinh tế nhân dân trong xã còn rất nghèo, một số công trình văn hóa tạm thời được sử dụng vào việc học tập và sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo con đường xã hội chủ nghĩa, đời sống kinh tế có bước phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân ta cũng phát triển theo. Các công trình đình, đền, chùa... bắt đầu được tu bổ và khôi phục lại dần và trở thành nơi mà các cụ cao niên hội tụ ngày lễ, tết, ngày đám theo tục cổ truyền.

Đặc biệt công trình văn hóa kiến trúc đền Sóc thờ Đức Thánh Gióng qua nhiều đời, đã có 13 lần trùng tu, trong đó phải kể đến một số lần trùng tu có qui mô lớn, đó là vào các năm: 1920, 1921, mới đây nhất là năm 1992 (trùng tu đền Thượng), 1994 (trùng tu đền Hạ và đền Mẫu), 1998 và 1999 (trùng tu chùa Đại Bi, nhà bia và lăng bia 8 mặt). Nhà nước đã xếp hạng di tích lịch sử này ngày 28-4-1962[2]. Quần thể khu di tích đền Sóc hiện nay gồm có 5 hạng mục công trình:

 Đền Trình (Đền Hạ):

Là nơi thờ vị Sơn thần núi Sóc. Đền có kiến trúc hình chữ tam với tiền đường 5 gian 8 mái, chính điện và hậu cung 3 gian hai mái.

Lịch sử hình thành đền Trình cũng có liên quan đến huyền thoại Thánh Gióng. Theo truyền thuyết, quan Sơn thần núi Sóc được lệnh của Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương tới giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống và được vua phong hai chữ là Thánh Vương. Trên đầu mũ của ngài hiện có ba chữ: "Thánh Thần Vương".

 Đền Mẫu:

Là nơi thờ thân mẫu của Phù Đổng Thiên Vương. Đền mẫu kiến trúc hình chữ nhị, gồm tiền đường và chính điện. Mỗi ngôi 3 gian kiểu thu hồi bịt đốc. Trước sân đền chếch về phía bên phải có một cái giếng khơi, nước giếng trong vắt, mát lạnh. Dân trong vùng vẫn gọi là giếng Ngọc.

 Chùa Đại Bi:

Chùa có từ bao giờ đến nay dân làng Vệ Linh không ai biết rõ. Theo dân gian truyền lại, xưa kia nơi đây chỉ là một chiếc lều cỏ, có một vị sư tên là Ngô Chân Lưu, hiệu Khuông Việt Quốc Sư, cũng không ai rõ từ đâu tới, ngày đêm gõ mõ, ăn chay, niệm Phật, chờ thời thế… Một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp sáng loé cả vùng rừng núi này, Khuông Việt Quốc Sư được báo mộng là ngày hôm sau sẽ có một tráng sỹ cả người lẫn ngựa về vùng địa linh này. Quả nhiên, hôm sau có người như thế về thật. Khuông Việt Quốc Sư chỉ cho người cây đại thụ là cây trầm hương gần chùa để khoác áo bào lên đó, rồi cả người lẫn ngựa lên đỉnh núi cao nhất bay lên trời. Nhà sư khuyên dân làng lập miếu thờ Thiên tướng ngay bên cạnh gốc cây trầm hương. Về sau nhà sư lên khu đất có chùa Non bây giờ xây chùa tu ở đó. Thời gian sau, nhà sư đi đâu mất không ai được rõ.

 Đền Thượng:

Là nơi thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương, nằm ngay dưới chân núi Sóc (chính vì vậy mà đền còn có tên gọi đền Sóc). Đền Thượng có kiến trúc hình chữ công. Tiền đường được thiết kế 7 gian 8 mái kiểu chồng diêm. Gian giữa trước tiền đường được bố trí thành một tiền sảnh 4 mái nhỏ. Thiêu hương 3 gian 2 mái. Thượng điện 3 gian 4 mái. Theo nội dung ghi trên mặt bia số 4 "Tích hội" của bia 8 mặt thì đền Sóc được xây dựng từ thời tiền Lê (980) nhưng nay chỉ còn thấy hoa văn trang trí trong đền mang đậm nét nghệ thuật thời Nguyễn.

Bia 8 mặt:

Đây là một bia lớn, ngự trên đỉnh núi bia - hòn núi nằm ở phía sau lưng của đền Thượng. Núi Bia này cao khoảng 50 m (so với mặt biển), từ chân lên đến đỉnh núi hiện có con đường bao gồm 133 bậc. Từ trên đỉnh núi Bia có thể nhìn bao quát toàn bộ khu di tích và xa hơn nữa. Bia gồm 8 mặt, mỗi mặt có một nội dung nhưng đều gắn liền với câu chuyện Thánh Gióng liên quan đến vùng đất này, theo đó, người đọc bia có thể hình dung được những nhận thức và cách lý giải của người xưa về nhân vật huyền thoại này, những qui định, tập tục của dân làng vùng Sóc Sơn đối với việc mở hội Gióng đền Sóc hàng năm.

Mặt bia số 1: Sóc Sơn  Đổng Thiên Vương thần tích.

Mặt bia số 2: Thần tích - thuật lại truyền thuyết Thánh Gióng.

Mặt bia số 3: Điền cổ - tiếp tục câu chuyện dân gian về Thánh Gióng.

Mặt bia số 4: Tích hội - kể về sự kiện quân Tống xâm lược nước Văn Lang lần thứ hai, vua Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đến cầu Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương. Lê Hoàn thắng giặc trở về, bái yết Phù Đổng Thiên Vương và phong thêm chữ Thiên cho nên tên danh hiệu của người là Phù Đổng Thiên Thiên Vương Sóc Sơn Đại Thánh. Lê Đại Hành bái yết Phù Đổng Thiên Vương năm 980, lập ba ngôi đền là đền Hạ, đền Mẫu, đền Thượng to như ngày nay và phong chữ Thánh cho ngài Vệ Linh Sơn Thần là Thánh Thần Vương, truyền cho cả nước phải thờ cúng.

Mặt bia số 5: Đảo ký: ghi rõ có một ông về làm quan ở huyện Đa Phúc, tên là Lê Khắc Hy, chính ông đã vận động nhân dân ở vùng này dựng những mặt bia đá lên đỉnh núi, để cho mọi người đến vãn cảnh và chiêm ngưỡng, và cũng để mọi người biết nước Nam Việt đời đời có vị anh hùng dân tộc không bao giờ mất được. Bia này được dựng và viết năm Khải Định.

Mặt bia số 6: Tổng các - ghi rõ các tổng, xã, thôn thuộc Sóc Sơn có tham gia việc thờ phụng Phù Đổng Thiên Vương.

Mặt bia số 7: Tiệc lệ - ghi lại các mốc lịch sử liên quan tới việc tu sửa các ngôi đền, những ngày lễ trong năm trong khu di tích này.

Mặt bia số 8: Phả tập - ông Phạm Văn Thụ - người Nam Định đỗ phó bảng về làm quan trong triều đình, là người tham khảo soạn mặt bia số 8. Ông ghi lại Phù Đổng Thiên Thiên Vương có trên 4.000 năm lịch sử. Đền Sóc có từ lâu đời. Đời đời lúc nào cũng uy nghi, uy linh hiển thánh, để lại cho dân tộc Việt Nam, mọi người nơi nơi đều tôn trọng cúng thờ.

Tại quần thể khu di tích đền Sóc, hàng năm, trong 3 ngày 6-8 tháng giêng diễn ra lễ hội đền Sóc. Theo nội dung ghi trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt[3], các làng được phân công rước các lễ vật trong lễ hội như sau:

- Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) - rước giò hoa tre

- Thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) - rước voi

- Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) - rước trầu cau

- Thôn Đức Hậu (xã Đức Hoà) - rước ngà voi

- Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) - rước cỏ voi

- Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) - rước tướng

Từ năm 1997, khi hội Gióng được phục hồi, còn có thêm rước biểu tượng ngựa Gióng của thôn Vệ Linh. Từ năm 2010, việc rước biểu tượng ngựa Gióng được giao cho thôn Phù Mã (xã Phù Linh). Ngoài ra, mấy năm gần đây còn có rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh). Theo dân gian kể lại, xưa kia còn có rước trải của làng Vệ Sơn nhưng hiện nay chưa phục hồi được.

Rước giò hoa tre của thôn Vệ Linh cùng với tục cướp lộc là nét tiêu biểu và độc đáo của lễ hội Gióng đền Sóc. “Hoa tre” là một vật mang tính biểu trưng, nó tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng khi xưa đánh giặc. Khi giặc tan cũng là lúc gậy tre bị dập nát tạo thành những tua dài trông giống như cây hoa. Giò hoa tre làm từ hàng trăm “hoa tre” được kết lại bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ khiến người ta liên tưởng tới bó lúa to vàng rực. “Hoa tre” làm từ cây tre được quan niệm là tinh khiết nên vào ngày lễ dân làng Vệ Linh làm giò hoa để tiến thánh. Để chuẩn bị làm hoa tre,  người dân Vệ Linh ngay từ mồng 3, mồng 4 tết đã phải chọn tre, chặt tre đem về đình làng. Cây tre được chọn phải là cây cao, thẳng, không bị cụt ngọn, xanh tốt, đốt tre phải dài, không bị sâu.

Sau lễ tế tại đình làng vào sáng mồng 5 tết, dân làng bắt đầu vót (các cụ còn gọi là “gót”) “hoa tre”[4]. Chiều mồng 5 tết dân làng bắt đầu công việc kết thành giò hoa tre. Người ta lấy một thân chuối tươi xanh cao khoảng 1,8m để làm trụ, rồi cắm các cành hoa tre lên đó. Việc kết giò hoa tre được làm ở đình làng và được hoàn thành vào chiều tối mồng 5, để kịp rạng sáng ngày mồng 6 làm lễ tiến cống vào đền Thượng.

Các thôn, làng khác được phân công cúng tiến lễ vật đều chuẩn bị vật phẩm từ giữa tháng Chạp, rồi làm lễ tế tại đình làng mình vào ngày mồng 5 tết, để ngày hôm sau chính thức tham gia lễ hội tại đền Sóc.

Diễn trình của lễ hội cũng rất đặc sắc. Theo nội dung của mặt bia số 6 của bia 8 mặt thì khởi đầu có tới 21 tổng, 172 xã thôn cùng thờ Thánh Gióng ở đền Sóc. Những xã, thôn này hoặc trực tiếp tiến lễ hoặc thờ vọng. Trong đó, riêng thôn Vệ Linh (thuộc vùng địa linh, nằm gần kề khu di tích nhất) được sắc chỉ cho làm tạo lễ, vì thế nhân dân ở đây được cấp 53 mẫu ruộng phục vụ cho việc tế lễ, được miễn trừ tô thuế, sưu sai, tạp dịch. Khi vào hội, theo qui định nghiêm ngặt, trong đoàn rước bao giờ đoàn Vệ Linh cũng đi đầu với cây giò hoa tre, được gọi là “giò đầu nước” của mình, rồi mới đến rước của các làng khác.

Vào nửa đêm mồng 5, rạng sáng mồng 6 tết, các quan viên và bô lão trong làng Vệ Linh tiến hành nghi lễ mộc dục ở đền Thượng. Nước làm lễ mộc dục được nấu từ những lá thơm hái trên núi xung quanh đền. Nồi nước thơm này được đặt trước bệ tượng. Chủ tế đốt một nắm hương to rồi nhúng nắm hương đang cháy này vào nồi nước thơm, sau đó vẩy nước lên để làm lễ mộc dục cho các pho tượng.

Khi chuông trống nổi lên 3 hồi, chín tiếng, lễ tế thỉnh Thánh bắt đầu. Chủ tế và phụ tế cùng đoàn người tới làm lễ đứng tấu trước ban hạ, sau đó chủ tế vẩy nước thơm từ ban hạ vào trong cung tượng thánh, vừa vẩy vừa nhẩm khấn để thỉnh thánh về chứng giám ngày hội. Tiếp đó, chủ tế và đoàn tế cầm hương chạy ba vòng từ trong đền ra ngoài sân, vừa chạy chủ tế vừa đọc lời khấn và tốp người hoa hoán theo một số câu do chủ tế xướng; đoàn người chạy cả ra sân đền rồi vòng vào đền, tất cả ba vòng. Đêm đó, các quan viên được cắt cử chầu hầu “Thánh” suốt đêm. Trong đêm, tiếng tù và, chiêng trống vang vọng cả một vùng.

Tảng sáng ngày mồng 6 tết, từ đền Thượng nổi lên ba hồi trống, báo hiệu nghi lễ tiến giò hoa tre của làng Vệ Linh - cây giò “đầu nước” (đoàn rước đi đầu) được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ tiến. Chủ tế thôn Vệ Linh làm lễ và đọc bài tấu. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình. Tại đây diễn ra trò cướp lộc với mong muốn gặp nhiều may mắn trong năm cho mỗi người dự lễ. “Lộc” này được nhiều người mang về nhà, cắm trên bàn thờ, mãi đến 30 tết năm sau mới đem ra hóa cùng với chân hương.

Theo sau đoàn rước của thôn Vệ Linh là các đoàn rước của các thôn khác theo sự phân công.

Cùng với các nghi lễ cúng tế, ở khu vực bên ngoài còn diễn ra các trò chơi dân gian rất sôi nổi. Chiều mồng 8, lễ hoá voi bên bờ hồ Sóc được coi như nghi thức kết thúc hội.

Ngày 16-11-2010, cùng với Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Hội Gióng ở đền Sóc chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình về một nền hoà bình cho đất nước.

Khu di tích đền Sóc cùng với lễ hội của nó từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt đã được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và Thành uỷ Hà Nội đến thăm và trồng cây lưu niệm như: cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (năm 1972), Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (năm 1977), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1987), Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1994), Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 1995), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (năm 1998), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (năm 2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (năm 2010), đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Thành uỷ Hà Nội (tháng 10-1983), đồng chí Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin (năm 1994), đồng chí Hoàng Văn Nghiên - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội (năm 1995), đồng chí Đỗ Nguyên Phương - Bộ trưởng Bộ Y tế (năm 1998), đồng chí Lê Xuân Tùng - Bí thư Thành uỷ Hà Nội (năm 1999), đồng chí Lê Minh Hương - Bộ trưởng Bộ Công an (năm 2000) và các đồng chí lãnh đạo khác của Trung ương và Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, sau khi quần thể di tích đền Sóc được tu bổ, tôn tạo; đoạn đường từ quốc lộ 3 đi vào đền Sóc và đoạn đường chạy theo sườn núi sang đập Đồng Quan được trải nhựa, đặc biệt kể từ khi lễ hội Gióng ở đền Sóc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhân dân xã Phù Linh đã được tiếp đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, vãn cảnh và thắp hương vào những ngày nghỉ, ngày lễ, tết và những ngày hội theo tập quán xa xưa của địa phương.

 

 

 


[1] Những câu thơ trích trong cuốn "Lịch sử Cách mạng huyện Sóc Sơn", tập 1, xuất bản năm 1991

[2] Nguyễn Thế Long, “Đình, đền Hà Nội đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa”, Nxb VHTT, 1998, tr 294

[3] Lê Thị Hoài Phương, Hội Gióng ở đền Sóc, Nxb VHTT, 2010 tr14-25

[4] Theo cuốn "Hội Gióng ở đền Sóc" của Lê Thị Hoài Phương, NXB VHTT, 2010: Trước kia, theo lệ làng mỗi giáp phải góp 50 cành hoa tre. Công việc này gồm các công đoạn như: Chặt, pha tre thành từng đoạn 50-60 cm, sau đó chẻ ra thành từng thanh tre, phía sẽ làm thành tua thì để rộng hơn, còn phía tay cầm có bề rộng khoảng 1,5 cm; Vót hoa: dùng dao mỏng, sắc vót một đầu của thanh tre thành tua. Sau đó dùng tay để gỡ giò, tức là gỡ các tua cho khỏi rối; Nhuộm hoa tre: xưa kia chất liệu để nhuộm là hạt giành giành bóc vỏ, lấy hạt giã thành bột, sau đó nấu sôi lên để nhuộm. Vì vậy, hoa tre có màu vàng óng rất đẹp; Phơi hoa tre: sau khi nhuộm, phơi cho ráo nước.